(Dân trí) – Khi chị Nh. phấn khích khoe con đỗ điểm cao vào trường chuyên, con trai chị khó chịu rồi gào lên: “Bạn con rớt đấy, mẹ đừng đưa con ra khoe khoang như vậy nữa được không?”.
Người mẹ xin lỗi vì khoe con “xuất sắc đỗ trường chuyên”
“Con đã đạt được ước mơ của mình xuất sắc ngoài tưởng tượng của bố mẹ. Ngay sau khi thi, bố mẹ đoán con dễ dàng đỗ thôi nhưng vẫn lo lắm. Đề khó vậy mà con còn dư mấy điểm luôn nữa.
Chúc mừng con đã vượt qua hàng ngàn thí sinh để trúng tuyển vào Trường chuyên Phổ thông năng khiếu. Giờ cưng muốn gì mẹ cũng chiều hết nghen”.
Dòng chia sẻ trên trang cá nhân về việc con trúng tuyển vào Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) của chị Nh., nhà ở Gò Vấp, TPHCM đăng tải mấy ngày trước nhận được rất nhiều lời chúc mừng, khen ngợi của bạn bè, người quen. Từ những lời khen “con là siêu nhân chứ đâu phải người thường” rồi khen bố mẹ “khéo nuôi, khéo dạy”.
Chị Nh. cũng tích cực chia sẻ loạt bí quyết đỗ vào chuyên của con như “Để con tự học, không ép buộc”, “Con mình chẳng học hành gì mấy đâu”, “Ai luyện thi cực chớ con trai nhà mình nhàn tênh”…
Vậy nhưng, chỉ hai ngày sau, chị Nh. đã khóa bài viết nói trên.
Người mẹ trải lòng, khi biết tin con đỗ, chị rất phấn kích, hồ hởi. Ngay lập tức chị chia sẻ niềm vui này lên trên mạng xã hội và gọi điện khắp nơi quanh chủ đề “cháu nó đỗ chuyên còn dư mấy điểm”.
Phải nói, chưa bao giờ chị vui, hạnh phúc và tự hào đến như thế. Nhưng trái ngược với cảm xúc này của người mẹ, cậu con trai lại tỏ ra khó chịu, gắt gỏng.
Hôm rồi khi đang gọi khoe con đỗ với người bác ở ngoài Hà Nội, chị Nh. đưa điện thoại để con nói chuyện thì cháu vùng vằng đáp “không thích” rồi bỏ vào phòng.
Lúc sau, khi chị vừa kết thúc cuộc nói chuyện thì bất ngờ cháu đi từ trong ra, lần đầu tiên trong đời gào lên với mẹ: “Bạn con mấy đứa rớt đấy! Mẹ bớt khoe khoang chuyện con thi đỗ đi được không? Con khó chịu lắm rồi!”.
Chị Nh. đứng hình cùng cảm giác hụt hẫng lẫn ngại ngần. Như nhiều ông bố bà mẹ khác, chị Nh. thường xuyên chia sẻ về con, nhất là chuyện học hành, điểm số, thi cử.
Chưa bao giờ chị hỏi liệu con có thích điều đó không, có thoải mái về việc bố mẹ đưa mình ra khoe với người khác vậy không. Rồi liệu mình vậy đã tế nhị với những người khác, nhất là với nhiều em có thể giỏi hơn con mình chỉ là thiếu may mắn trong một cuộc thi. Thấy phản ứng của con, chị mới giật mình…
Bản thân chị Nh. cũng hay đọc được những bình luận của mẹ mình – người phụ nữ 73 tuổi – kiểu như: “Đứa con gái cưng nhà ai mà giỏi, mà xinh thế này. N.T (tên công ty chị Nh. làm việc) may mắn lắm mới có được cô nhân viên này nha”, hay “Gái cưng năm nay lại xuất sắc thôi, người con gái vừa xinh vừa giỏi hiếm thấy”… Bà cũng thường xuyên chia sẻ lại hình ảnh, bài viết của chị kèm thêm những dòng cảm xúc “Con nhà ai mà giỏi quá ta”.
Chị đọc mà phát ngượng, thậm chí thấy rất xấu hổ, khó chịu trước những lời của mẹ. Chị đã nhiều lần xóa, ẩn bình luận của bà nhắc đến tên mình với vẻ tự mãn, tự kiêu.
Vậy mà chị đã không nhận ra mình áp chính điều đó lên con ngay khi cháu đủ khả năng bảo vệ bản thân để “xóa”, để “ẩn” như chị.
“Tôi đã tập trung quá nhiều vào những con điểm, vào kết quả học tập của con và niềm vui của mình mà bỏ qua cảm xúc của con”, chị Nh. nói.
Người mẹ 42 tuổi cho biết, sau phản ứng của con, chị đã vào trang cá nhân chuyển bài viết khoe con nói trên sang chế độ “một mình tôi”.
Nói chuyện với con, chị Nh. chân thành xin lỗi vì mẹ đã khoe mà không hỏi ý kiến con, khoe con mà không nghĩ đến cảm xúc của con cũng như nhiều bạn bè rớt trong một kỳ thi hay nhiều gia đình khác đang rất căng thẳng… Chị cũng mong con thông cảm cho cảm xúc, niềm vui nhất thời của người làm mẹ.
Trẻ 14 tuổi nói “khoe điểm là thao túng tâm lý”
Chị Thiên Hương, có con học lớp tăng cường tiếng Anh một trường THCS ở TPHCM chia sẻ, điểm trung bình các môn của con chị đều trên 9.0 và cháu đạt nhiều thành tích học tập khác.
Chị từng hỏi con: “Mẹ thấy quá trời phụ huynh khoe điểm con cái trên Facebook vui ơi là vui. Mẹ cũng khoe điểm con nhé?”.
Con chị trả lời: “Nếu mẹ đem điểm của con đi khoe dù bên ngoài hay trên mạng thì con sẽ giận mẹ đấy! Con không thích!”.
Đứa con 14 tuổi còn nói thêm làm chị ngỡ ngàng: “Khi bố mẹ cứ khoe khoang về điểm số, thành thích của con là chúng con bị áp lực phải làm sao cho xứng đáng với lời khen đó. Đó là thao túng tâm lý”.
Theo chị Hương, đôi khi bố mẹ khoe rất tự nhiên, hồn nhiên. Nhiều đứa trẻ thấy vui, thấy ổn nhưng cũng có trẻ thì không, chúng khó chịu và áp lực khi đối diện với những lời khoe khoang về mình.
Cuộc tranh cãi “có nên khoe điểm con lên mạng” diễn ra nhiều năm nay với nhiều ý kiến trái chiều dai dẳng. Một bên là tâm lý “con tôi giỏi, tôi có quyền khoe”, bên còn lại phản đối kịch liệt.
Theo Luật Trẻ em, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ, trong đó bao gồm cả kết quả học tập, nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ.
“Đã khoe thì khoe cái gì cũng không hay, không nên. Bố mẹ không kìm lòng được thì đành thôi chứ giữa “khoe” và “không khoe” thì hiển nhiên khiêm tốn là hơn. Khoe điểm không mang lại bất cứ lợi ích nào cho đứa trẻ”, anh Lê Ngọc Hoàng, phụ huynh hai con ở Phú Nhuận nêu quan điểm.
Thời điểm này, các tỉnh thành đang chuẩn bị công bố kết quả thi lớp 10 và sắp tới là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cũng như cuối mỗi học kỳ, năm học, đây là thời điểm bùng nổ việc bố mẹ lên mạng khoe điểm, khoe con đỗ trường này trường kia.
Có khi nào trong say sưa trong niềm vui này, người lớn dừng lại một chút nghĩ đến con mình và những đứa trẻ khác?
Theo Hoài Nam
Báo điện tử Dân Trí link gốc