Hệ thống được ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI), Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) sáng 26/4. Đây là một trong sáu đơn vị được chọn để thử nghiệm.
Ông Thắng cho biết, hệ thống phân tích năng lực cạnh tranh công nghệ do Viện Thông tin khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTI) xây dựng năm 2013 và đã sử dụng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc. Compas phiên bản Việt (V-Compas) được chuyển giao công nghệ cho NASATI nghiên cứu vận hành phục vụ cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nước.
V-Compas là công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn (BigData), được phát triển thêm giúp phát hiện và phân tích hoạt động công nghệ toàn cầu thông qua đánh giá các tài liệu về sáng chế, bài báo khoa học. Hệ thống hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tìm kiếm dữ liệu và ra quyết định liên quan đến công nghệ, giúp đơn vị quản lý phân tích thông tin, so sánh khách quan xu hướng công nghệ, công nghiệp, thị trường; giám sát và phản ứng với công nghệ cạnh tranh.
Compas tích hợp 10 modul trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai nghiên cứu, phát triển. Hệ thống đưa ra các báo cáo phân tích đa dạng, giúp các doanh nghiệp nhận dạng đối thủ cạnh tranh, tra cứu thông tin hiện trạng nghiên cứu công nghệ, mảng thị trường khoa học công nghệ mới hay các sáng chế.
GS.TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kỳ vọng công cụ hỗ trợ các nhà khoa học tìm kiếm, tra cứu và phân tích thông tin, tìm ra các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng công nghệ. Các nhà quản lý có thể sử dụng công cụ để đánh giá công nghệ, giúp cho việc đầu tư đúng hướng với các ngành công nghệ ưu tiên.
Tại sự kiện, TS Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án của KISTI, cho biết khi chuyển giao cho Việt Nam, mô hình phân tích dữ liệu được mở rộng thêm các modul phân tích đưa ra ý kiến, thông tin về cơ sở dữ liệu sáng chế và thực trạng của Việt Nam.
Như Quỳnh